Ngăn ngừa giãn tĩnh mạch bằng lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh
Thống kê của Hội Tĩnh mạch học TPHCM cho thấy tỉ lệ dân số mắc giãn tĩnh mạch đang ở mức 25 – 35% tổng số dân. Trong đó, người cao tuổi chiếm 50%, người trưởng thành chiếm đến 35%. Ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt là phương pháp hiệu quả được rất nhiều người áp dụng.
Ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch bằng sinh hoạt lành mạnh
Suy giãn tĩnh mạch có các triệu chứng đặc trưng như: Nổi tĩnh mạch, đau, ngứa, nóng, tê bì, chuột rút ngày đêm…. Các triệu chứng này ban đầu rất mờ nhạt, mất đi khi nghỉ ngơi. Khi bệnh nặng, cơn đau mỏi, tê bì càng dữ dội và nghỉ ngơi cũng không hết. Ba biến chứng phổ biến nhất của giãn tĩnh mạch chân là: Loét chân, huyết khối tĩnh mạch, xuất huyết (chảy máu). Huyết khối trong lòng mạch có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu di chuyển và gây tắc mạch phổi, dẫn đến tức ngực, khó thở, ho ra máu, đột tử.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch hình thành có thể do lối sống không khoa học, làm việc phải đứng hoặc ngồi lâu một chỗ, ít vận động gây nên. Vì vậy, để ngăn ngừa giãn tĩnh mạch chi dưới, bạn nên áp dụng một số biện pháp đơn giản như sau:
- Thay đổi thói quen mặc quần áo: Bạn không nên mặc quần áo bó sát, nhất là các loại quần bò, quần có chất liệu cứng, bó sát vào hông, chậu dẫn đến cản trở lưu lượng máu. Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát giúp điều hòa lưu lượng máu, ngăn chặn giãn tĩnh mạch.
- Thói quen đi giày dép: Để giảm nguy cơ mắc giãn tĩnh mạch, bạn nên sử dụng giày dép đế thấp, mềm, không bó sát vào chân. Sử dụng giày cao gót hàng ngày khiến trọng lượng cơ thể dồn ép xuống hai chân dẫn đến máu ứ đọng, tê nhức, đau mỏi nhiều.
- Thay đổi tư thế nằm, ngồi: Bạn nên kê cao chân khi ngồi hoặc nằm từ 15 – 20 cm để hỗ trợ máu đổ về tim tốt hơn. Khi làm việc cũng nên thay đổi tư thế thường xuyên để cơ thể được vận động, giảm bớt áp lực đến vùng chân. Một số tư thế ngồi nên tránh bao gồm: Ngồi xổm, ngồi vắt chéo chân….
Không bắt chéo chân, ngồi đúng tư thế tốt cho tĩnh mạch
- Hạn chế mang vác các vật nặng hoặc lao động quá sức gây dồn ép xuống tĩnh mạch.
- Tập thói quen đi lại, vận động thường xuyên: Học tập, công việc bận rộn khiến nhiều người ít vận động, tập thể dục ít hơn. Bạn hãy thay đổi thói quen này, tích cực đi lại nhẹ nhàng, vận động để hạn chế tối đa nguy cơ ứ máu.
- Tập thể dục thể thao mỗi ngày: Những môn thể thao như: Đi bộ, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ… giúp phòng ngừa giãn tĩnh mạch chân. Các môn thể thao cường độ mạnh như: Bóng đá, tennis, nhảy cao, chạy nhanh,… nên tránh. Hoạt động đi bộ, nhấc gót chân, co chân lên cao sẽ giúp đẩy máu từ dưới bắp chân lên vùng đùi. Lực ép của cơ vào tĩnh mạch sâu giúp vận động máu dồn về phía tim nhanh hơn nhiều so với tư thế đứng yên, từ đó giảm tối đa nguy cơ mắc giãn tĩnh mạch.
Một số bài tập đơn giản giúp phòng ngừa và giảm triệu chứng giãn tĩnh mạch chân
Ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch bằng chế độ ăn uống
Suy giãn tĩnh mạch có thể hình thành do chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu hụt chất xơ, vitamin E, C, …. Để ngăn chặn giãn tĩnh mạch chi dưới, mỗi người nên chú ý thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh như:
- Hạn chế tối đa các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đường (bánh kẹo ngọt, trà sữa…), muối (thịt dăm bông, xúc xích, thịt đóng hộp…. Những thực phẩm này làm tăng cân nhanh, tích nước, tăng mỡ máu trong cơ thể khiến cho máu chảy ngược xuống chân, lâu ngày gây phình tĩnh mạch.
- Hạn chế sử dụng bia, rượu, các chế phẩm từ sữa (váng sữa, phô mai….) có thể gây nên tổn thương mạch máu, tăng huyết áp….
- Tăng cường uống đủ nước, bổ sung chất xơ, chất sắt để cải thiện triệu chứng bệnh. Đặc biệt nên bổ sung các thực phẩm như: Quả bơ, củ cải đường, quả việt quất, mâm xôi, hạt lanh, hạt chia, gừng, măng tây…..
- Tăng cường rau xanh, hoa quả giàu vitamin và khoáng chất.
Nhóm thực phẩm nên tăng cường bổ sung hàng ngày để tránh giãn tĩnh mạch chân
Theo bác sĩ chuyên khoa, ngăn chặn suy giãn tĩnh mạch bằng lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh là điều bất kì ai cũng có thể làm được. Khi thấy xuất hiện các triệu chứng nổi búi tĩnh mạch, phù chân, đau chân, chuột rút… nên sớm đến bệnh viện để được chẩn đoán và hỗ trợ điều trị. Phát hiện càng sớm, điều trị càng nhanh chóng và hiệu quả triệt để.