Phác đồ điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới dưới góc nhìn chuyên khoa
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là căn bệnh hình thành do tĩnh mạch bị suy giảm chức năng đưa máu quay về tim. Bạn đang tìm kiếm phác đồ điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, hãy tham khảo ngay nội dung bài viết dưới đây.
Đại cương về bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý để chỉ sự suy giảm chức năng đưa máu quay trở về tim của vùng tĩnh mạch dưới chân, làm máu ứ đọng lại, dẫn đến huyết động thay đổi, mô tổ chức tế bào xung quanh cũng biến dạng. Lâu ngày, sẽ dẫn đến các triệu chứng phù chân, dị cảm, kiến bò, nặng chân, phù nề, nhức mỏi….
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là căn bệnh phổ biến, trong đó chiếm 70% là nữ giới. Ở Việt Nam, tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh đang ngày càng tăng cao do yếu tố công việc và thói quen sinh hoạt có hại cho mạch máu. Bệnh có thể biến chứng thành viêm tắc tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch… ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.
Chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới theo chuyên khoa
1. Khám lâm sàng
Khi đi thăm khám suy giãn tĩnh mạch, bác sĩ có thể hỏi thăm về tiền sử bệnh lý, nghề nghiệp của bệnh nhân. Ngoài ra, khám lâm sàng còn dựa trên các dấu hiệu bệnh lý gặp phải như:
- Giai đoạn đầu: Người bệnh có triệu chứng nặng chân, nhức mỏi, đau chân khi đứng hoặc ngồi lâu. Ban đêm, người bệnh thường bị chuột rút, tê mỏi chân, ngứa cẳng chân, chân nóng rán.
- Giai đoạn sau: Bệnh nhân có biểu hiện phù nề khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều. Hiện tượng phù nề thường gặp ở vùng bàn chân, mắt cá chân dẫn đến cảm giác mang giày dép chật chội hơn mức bình thường.
- Giai đoạn nặng: Kèm theo hiện tượng ứ mạnh, loạn dưỡng da, lở loét, nhiễm trùng rất khó điều trị. Hiện tượng tĩnh mạch nổi dưới da xuất hiện. Ở giai đoạn muộn, người bệnh còn bị chàm da do máu ứ đọng lâu ngày, làm loạn dưỡng da, tĩnh mạch căng phồng lên làm đau nhức nhiều kèm theo các mảng bầm máu dưới da.
Triệu chứng lâm sàng của suy giãn tĩnh mạch
2. Chỉ định xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng
Một số xét nghiệm chẩn đoán thường được áp dụng như:
- Thực hiện đo áp lực tĩnh mạch sâu chi dưới.
- Chỉ định chụp X – Quang tĩnh mạch.
- Đo thể tích tĩnh mạch hoặc thể tích cẳng chân.
- Chụp siêu âm Doppler kép: Phương pháp này kết hợp siêu âm Doppler và chụp siêu âm kiểu B (B-mode) giúp đánh giá tình trạng suy chức năng tĩnh mạch.
3. Phương pháp chẩn đoán xác định
Một số phương pháp chẩn đoán xác định như:
- Nghiệm pháp Schwartz: Bác sĩ sẽ đặt 1 tay lên phần trên của tĩnh mạch, 1 tay ở đoạn dưới tĩnh mạch nông. Nếu phát hiện thấy sóng mạch đập vào ngón tay ở dưới khi ngón tay ở trên thực hiện cử đọng gõ thì biểu hiện suy van tĩnh mạch nông.
- Nghiệm pháp Trendelenburg: Trong tư thế bệnh nhân giơ cao chân, bác sĩ sử dụng garo hoặc ngón tay chặn để chặn vào đoạn thông tĩnh mạch hiển đổ vào tĩnh mạch bẹn. Sau đó, thực hiện bỏ garo hoặc bỏ tay chặn ra. Nếu thấy tĩnh mạch giãn trở lại trong khoảng 30s thì chẩn đoán van lỗ tĩnh mạch hiển trong bị suy yếu.
- Nghiệm pháp garo từng nấc: Nghiệm pháp này giúp đánh giá van tĩnh mạch xuyên.
- Nghiệm pháp Prat: Trong tư thế nằm, bác sĩ dùng 2 cuộn băng thun để thực hiện cuộn từ dưới đùi lên, và cuộn sát bẹn. Sau đó, cho bệnh nhân đứng dậy rồi dần dần tháo cuộn thứ 1 từ trên xuống dưới, kết hợp dùng cuộn thứ 2 cuộn tiếp vào đoạn vừa tháo. Nếu quan sát thấy tĩnh mạch nông giãn ra nhiều ở giữa phần 2 cuộn băng thì van tĩnh mạch xuyên bị suy yếu.
- Nghiệm pháp Perther: Nghiệm pháp này đánh giá chức năng van tĩnh mạch sâu. Người bệnh nằm xuống, giơ chân lên cao để máu huyết dồn xuống tĩnh mạch nông. Bác sĩ thực hiện đặt garo vào tĩnh mạch nông ở sát bẹn rồi cho phép bệnh nhân đứng dậy và đi. Nếu phát hiện thấy tĩnh mạch nông căng to ra thì van tĩnh mạch được chẩn đoán là suy giảm.
- Nghiệm pháp Delber: Được tiến hành tương tự như phương pháp Perther nhưng cần đặt garo ở nhiều đoạn khác nhau của chân để biết chính xác đoạn nào lưu thông máu kém.
Các nghiệm pháp giúp chẩn đoán hoạt động của tĩnh mạch
4. Chẩn đoán phân biệt
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới cần chẩn đoán phân biệt với tắc tĩnh mạch sâu, viêm tắc động mạch, tắc động mạch chi, huyết khối tĩnh mạch….
5. Chẩn đoán nguyên nhân
Dựa vào chẩn đoán nguyên nhân sẽ giúp việc điều trị suy giãn tĩnh mạch hiệu quả hơn:
- Do tuổi cao.
- Do yếu tố công việc phải đứng hoặc ngồi lâu một chỗ, ít vận động, mang vác nặng nhọc… khiến cho máu huyết bị dồn xuống chân, dẫn đến áp lực trong tĩnh mạch.
- Do một số yếu tố nguy cơ như người béo phì, thừa cân, chế độ ăn ít chất xơ, nhiều dầu mỡ….
Phương pháp điều trị và phục hồi chức năng
1. Nguyên tắc điều trị
Bác sĩ chuyên khoa thường kê đơn thuốc phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm như: huyết khối tĩnh mạch, thuyên tắc động mạch phổi gây nguy hiểm đến tính mạng.
2. Các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới
- Điều trị bằng thuốc:
Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc tăng trương lực tĩnh mạch giúp giảm ứ trệ tĩnh mạch, tăng sức bền thành mạch, giảm viêm, giảm đau. Riêng với các trường hợp có biến chứng viêm loét, loạn dưỡng da chân cần sử dụng kháng sinh ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Một số biện pháp điều trị khác:
+ Điều trị nhiệt nội tĩnh mạch bằng Laser hoặc sóng Radio cao tần.
+ Chích xơ tĩnh mạch.
+ Phẫu thuật tĩnh mạch (cắt nối tĩnh mạch, đặt ống thông tĩnh mạch).
3. Các phương pháp điều trị và phục hồi chức năng
- Sử dụng băng ép tĩnh mạch nông chi dưới bằng vớ tĩnh mạch:
Biện pháp này giúp tăng áp lực tĩnh mạch ở chân, thúc đẩy lưu thông máu, cải thiện các triệu chứng đau và phù chân. Dùng vớ tĩnh mạch cần thực hiện thăm khám đầy đủ, lựa chọn đúng size để có tác dụng lâu dài.
- Biện pháp vật lí trị liệu:
+ Trường hợp xuất hiện viêm tĩnh mạch cần phải chống viêm bằng sóng ngắn dọc chân hoặc chống phù nề bằng các biện pháp phối hợp như nâng cao chân, vận động khớp cổ chân, bàn chân, ngón chân.
+ Lưu ý: Không dùng các biện pháp nhiệt, tránh xoa bóp, vận động mạch ở vùng tĩnh mạch bị viêm hoặc có cục máu đông vì có thể khiến huyết khối di chuyển trong lòng mạch dẫn đến biến chứng nguy hiểm khác.
- Nếu bệnh nhân chỉ bị suy giãn tĩnh mạch nông (không có triệu chứng viêm) có thể áp dụng vật lí trị liệu như sau:
+ Massage nhẹ nhàng vùng chân bệnh để thúc đẩy lưu thông máu.
+ Tập thể dục thể thao hỗ trợ tuần hoàn chân, nhất là các tư thế nâng cao chân, duỗi thẳng chân.
+ Không đứng, ngồi liên tục, nên thay đổi tư thế khoảng 1 tiếng/ lần, có thể kèm theo các bài tập như co duỗi bàn chân, nhón gót chân, gập cổ chân… giúp tuần hoàn máu tốt hơn.
+ Ngủ kê chân lên cao.
+ Bổ sung chế độ ăn giàu vitamin, trái cây, chất xơ… kết hợp ăn ít muối, hạn chế ăn đồ ngọt.
+ Tránh táo bón và kiểm soát cân nặng vừa phải, tránh béo phì.
Theo dõi và tái khám suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là căn bệnh tiến triển âm thầm nhưng có thể gây nhiều biến chứng nặng nề. Người bệnh nên tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa để kịp thời xử lí các biến chứng nguy hiểm.
Trên đây là phác đồ điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới cho bạn tham khảo. Bác sĩ chuyên khoa khuyên bệnh nhân nên lựa chọn cơ sở uy tín để thăm khám và điều trị sớm.