Phòng ngừa giãn tĩnh mạch chân bằng biện pháp đơn giản tại nhà
Phòng ngừa giãn tĩnh mạch chân tại nhà cần kết hợp hài hòa giữa chế độ ăn uống, tập luyện, thói quen sinh hoạt. Dưới đây là những bí quyết đơn giản giúp hạn chế tối đa nguy cơ suy giãn tĩnh mạch.
Những đối tượng nào có nguy cơ cao mắc suy giãn tĩnh mạch chân
Suy giãn tĩnh mạch xảy ra khi tĩnh mạch bị giãn rộng, nổi phồng lên dưới da. Dấu hiệu dễ dàng nhận thấy nhất là biểu hiện mạch máu màu xanh tím nổi lên ngoằn ngoèo dưới chân. Mặc dù suy giãn tĩnh mạch có thể gặp ở tay, hậu môn, trực tràng… nhưng giãn tĩnh mạch ở chân chiếm tỉ lệ lớn nhất. Lí do là bởi cấu tạo của tĩnh mạch chân vừa nằm cách xa tim vừa chịu áp lực của trọng lượng cơ thể.
Ngoài biểu hiện nổi tĩnh mạch chân, người mắc suy giãn tĩnh mạch còn bị nặng chân, đau chân, chuột rút, tê mỏi chân, phù chân. Những triệu chứng này thường gia tăng cường độ từng ngày khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, đau nhức, mệt mỏi.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc suy giãn tĩnh mạch chân thường là những người tuổi cao, người làm việc phải đứng lâu, ngồi nhiều, phụ nữ mang thai…. Những đối tượng này nên chú ý ăn uống, sinh hoạt, tập luyện lành mạnh để giảm nguy cơ tiến triển thành suy giãn tĩnh mạch.
Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc suy giãn tĩnh mạch
Phòng ngừa giãn tĩnh mạch chân bằng biện pháp đơn giản tại nhà
Suy giãn tĩnh mạch hình thành do van tĩnh mạch bị suy yếu, dẫn đến máu bị ứ đọng trong thành mạch. Vì vậy, nguyên tắc để phòng ngừa giãn tĩnh mạch chân là cần đảm bảo máu huyết được lưu thông khỏe mạnh, không ứ tắc.
Để tuần hoàn máu lưu thông đến các cơ quan đều đặn, người bệnh cần áp dụng một số biện pháp sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh:
Chế độ dinh dưỡng tác động trực tiếp đến sức khỏe chung, thậm chí ăn uống không đúng cách còn có thể dẫn đến phát sinh nhiều bệnh. Ngoài việc đảm bảo khẩu phần ăn đủ chất dinh dưỡng cần thiết, mỗi người cũng nên bổ sung thêm vitamin, khoáng chất để hỗ trợ máu huyết lưu thông, củng cố thành mạch. Bổ sung rau xanh, hoa quả cũng là việc làm cần thiết để giảm nguy cơ bị táo bón cũng hạn chế áp lực đến tĩnh mạch.
Thiết lập chế độ dinh dưỡng cũng cần chú ý giữ cân nặng vừa phải. Nếu đang thừa cân bạn nên có thực đơn riêng để giảm cân khoa học khiến tĩnh mạch chân không phải chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể. Mỗi ngày nên đảm bảo uống đủ 2 lít nước để đảm bảo các hoạt động đào thải của cơ thể diễn ra tốt hơn.
Bổ sung nhiều rau xanh tốt cho lưu thông máu
- Chế độ sinh hoạt hợp lý:
+ Thay đổi thói quen mặc quần áo cũng là cách để tăng cường tuần hoàn máu đến các cơ quan. Bạn nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, không nên mặc đồ bó sát (quần bò, quần da…). Những trang phục có chất liệu cứng, bó sát vào đùi, hông sẽ khiến cản trở quá trình lưu thông máu.
+ Đi giày cao gót là sở thích của các chị em. Tuy nhiên, nếu chị em đang thuộc nhóm nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch cao, làm công việc phải đứng lâu thì nên hạn chế đi giày cao gót. Bạn nên thay bằng các loại giày gót thấp, đế mềm. Giày đế thấp giúp bạn cân bằng trọng lượng của cơ thể, giảm bớt áp lực xuống chân.
+ Mỗi người nên có thói quen vận động, đi lại thường xuyên, tăng cường tập thể dục thể thao. Các hoạt động đi bộ, đạp xe, bơi lội… đều được bác sĩ khuyến khích để giúp tăng cường lưu thông máu. Do công việc tác động khiến nhiều người ít đi lại, ít tập thể dục. Hãy thay đổi thói quen này để giảm bớt áp lực đến tĩnh mạch.
Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe
+ Để giảm bớt áp lực cho tĩnh mạch, bạn nên kê cao chân khi làm việc hoặc khi ngủ từ 15 – 20 cm, giúp đẩy máu từ chân về tim tốt nhất. Nếu bạn có công việc phải ngồi lâu nên chọn loại có chiều cao hợp lý, ngồi đúng tư thế để không cản trở máu lưu thông. Một số tư thế không tốt cho tĩnh mạch như: ngồi vắt chéo chân, ngồi xổm….
+ Mang vác các vật nặng cũng không chỉ khiến hệ xương khớp bị ảnh hưởng mà tĩnh mạch chân cũng bị áp lực dồn máu huyết xuống chân.
Bài viết đã gợi ý một số cách phòng ngừa giãn tĩnh mạch chân. Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, tăng cường tập thể dục thể thao là cách tốt nhất giúp giảm giãn tĩnh mạch.