Suy van tĩnh mạch hai chi dưới và biện pháp điều trị mới nhất
Suy van tĩnh mạch sâu chi dưới xảy ra khi van tĩnh mạch có hiện tượng trào ngược dòng máu. Ứ trệ máu xảy ra ở vùng tĩnh mạch ngoại vi, dẫn đến xuất hiện các triệu chứng như: Sưng, phù chân, nhức mỏi, chàm da, loét da,….
Suy van tĩnh mạch sâu chi dưới: Tổng hợp toàn bộ các yếu tố nguy cơ
Suy van tĩnh mạch sâu chi dưới dẫn đến tổn thương mạch máu, làm kích thước tĩnh mạch tăng, trương phồng lên, dài ra, xoắn lại, thậm chí có thể nhìn và sờ thấy bằng tay.
Các yếu tố nguy cơ khiến suy van tĩnh mạch sâu chi dưới hình thành bao gồm:
- Tuổi tác: Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng tuổi cao là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng suy giãn tĩnh mạch. Độ tuổi phổ biến nhất là từ 45-50 tuổi. Tuổi càng cao thì tĩnh mạch càng dễ lão hóa và càng có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Giới tính: Cứ khoảng 2-3 bệnh nhân nữ mắc suy giãn tĩnh mạch mới có 1 bệnh nhân nam bị bệnh. Lý giải điều này, các nhà khoa học cho rằng do phụ nữ phải trải qua nhiều thời kì biến động hormone trong cơ thể, nhất là khi mang thai. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mặc dù nữ giới mắc bệnh nhiều hơn, nhưng nam giới lại là đối tượng dễ bị chàm da, loét chân hơn.
- Nghề nghiệp: Những công việc phải đứng lâu hay đi lại nhiều đều làm tăng nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch chân.
- Tiền sử gia đình: Bệnh có tính chất gia đình. Khi một thành viên mắc bệnh thì các thành viên khác cùng huyết thống trong gia đình cũng có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần bình thường.
- Béo phì: Nghiên cứu tại nước Anh chỉ ra rằng BMI >27 làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch ở nữ giới.
- Mang thai: Có thai, sinh con nhiều lần làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch chân gấp 2 lần chị em chưa từng mang thai.
- Sử dụng thuốc ngừa thai: Thuốc ngừa thai và các loại thuốc điều trị hormone thay thế thường làm tăng nguy cơ biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu.
Cơ chế gây giãn tĩnh mạch chi dưới do van tĩnh mạch sâu hoạt động kém
Những yếu tố nguy cơ trên khiến van tĩnh mạch dần suy yếu, tĩnh mạch chân giãn nở to về kích thước.
Suy van tĩnh mạch 2 chi dưới: Đừng nhầm lẫn với các bệnh lý khác
Suy giãn tĩnh mạch rất dễ nhầm lẫn với bệnh của tuổi già, bệnh xương khớp bởi các triệu chứng rất phổ biến như:
- Mỏi chân sau khi đi lại.
- Cảm thấy nặng chân.
- Phù chân.
- Đau chân.
- Chuột rút, tê bì.
- Dị cảm ở chân, chân nóng rát, châm chích như có kiến bò.
Suy van tĩnh mạch còn có thể gây sưng, màu sắc da chân thay đổi, dễ bị xơ cứng bì, viêm loét da. Các triệu chứng trên rất quen thuộc, giống với nhiều bệnh lý nên tốt nhất người bệnh nên đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh, tránh để biến chứng nguy hiểm như:
- Huyết khối tĩnh mạch sâu:
Suy van tĩnh mạch sẽ khiến máu ở vùng tĩnh mạch không thể di chuyển về tim. Van tĩnh mạch suy yếu khiến lượng máu lớn dồn xuống chân. Điều này làm tăng cơ hội hình thành huyết khối tĩnh mạch. Cục máu đông có thể gây viêm tắc tại chỗ hoặc di chuyển theo mạch máu, gây thuyên tắc phổi, dẫn đến đột tử.
-Vỡ tĩnh mạch:
Khi tĩnh mạch giãn to đến bề mặt da sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ tĩnh mạch. Người bệnh nên kê cao chân, ép chặt tĩnh mạch để ngăn chảy máu. Trường hợp máu chảy quá nhiều tốt nhất nên đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
- Loét tĩnh mạch:
Ước tính 70% các vết loét ở chân là do suy giãn tĩnh mạch. Trước khi vết loét hình thành, người bệnh có thể thấy phát ban, sưng đỏ, da chân đổi màu. Loét chân do suy giãn tĩnh mạch khiến người bệnh đau đớn. Thậm chí, điều trị vết loét cũng rất khó khăn do máu huyết không được điều hòa, các tế bào không được nuôi dưỡng.
Suy giãn tĩnh mạch sâu gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe
Điều trị suy van tĩnh mạch 2 chi dưới: Kết hợp ăn uống, sinh hoạt đúng cách
Khi chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch, bác sĩ chuyên khoa không chỉ dựa trên các dấu hiệu lâm sàng như: Giãn tĩnh mạch nổi to, màu sắc da đổi màu, loét da…. Bác sĩ cần thực hiện siêu âm Doppler mạch máu để chẩn đoán chính xác những đoạn bị suy giãn, xác định tình trạng van tĩnh mạch, có huyết khối tĩnh mạch hay không.
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp như:
- Chích xơ tĩnh mạch (phù hợp với giãn tĩnh mạch độ 1, giãn mao mạch, giãn tĩnh mạch mạng lưới, giãn tĩnh mạch nông).
- Trị bệnh bằng laser hay RFA (áp dụng cho tĩnh mạch hiển lớn): Bác sĩ thực hiện gây tê cục bộ, sau đó luồn sợi laser vào tĩnh mạch. Nhiệt năng tỏa ra sẽ giúp làm phá hủy tĩnh mạch, co rút thành mạch và teo đoạn tĩnh mạch bị bệnh.
- Tiêm keo tĩnh mạch VenaSeal: Keo sẽ được bơm vào tĩnh mạch, làm tĩnh mạch cứng lại và máu huyết di chuyển sang tĩnh mạch khỏe mạnh khác.
- Dùng vớ áp lực: Vớ y khoa sẽ tạo nên lực ép dẫn truyền máu về tim. Đây là loại vớ đặc biệt giúp tạo áp lực phù hợp với từng bộ phận của chân, ôm lấy chân và ngăn ứ máu ở bắp chân.
- Điều trị theo Y học cổ truyền: Suy van tĩnh mạch nguyên nhân chính là do máu ứ. Ứng dụng các thảo dược Đông y giúp hoạt huyết, thông mạch là biện pháp điều trị tận gốc. Dược liệu Đông y lành tính, vừa giúp hoạt huyết, vừa giúp bảo vệ thành mạch, tăng cường chức năng Gan, Thận., không gây tác dụng phụ.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên kết hợp áp dụng các biện pháp như:
- Tập thể dục: Đi bộ là bộ môn hữu ích giúp tăng cường lưu lượng máu ở chân. Các bài tập nâng chân lên, hạ chân xuống hoặc đạp xe, bơi lội cũng rất tốt cho thành mạch.
- Giảm cân khi đang bị thừa cân hoặc tránh tăng cân mất kiểm soát là biện pháp tốt để giảm áp lực đến thành mạch.
- Lựa chọn giày dép phù hợp, tránh đi giày cao gót và giày dép bó sát chân.
- Không mặc quần áo bó sát làm cho lưu thông máu giảm.
- Kê cao chân khi ngủ để chân cao hơn tim sẽ dồn lượng máu xuống tốt hơn.
- Hạn chế tối đa đứng hoặc ngồi trong thời gian dài.
Suy van tĩnh mạch chân gây khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh nên xây dựng lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, không sử dụng các chất kích thích.