Tác hại của việc mang vớ y khoa - thiếu hiểu biết bệnh thêm trầm trọng
Vớ y khoa là sản phẩm y tế giúp cải thiện lưu lượng máu, làm phòng ngừa hoặc hỗ trợ điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, dùng vớ y khoa không đúng cách cũng đem lại rất nhiều tác hại đến thành mạch. Dưới đây là một số tác hại của việc mang vớ y khoa người bệnh nào cũng nên biết.
Vớ y khoa: Biện pháp hỗ trợ phòng ngừa và điều trị suy giãn tĩnh mạch
Ở người bình thường, máu trong tĩnh mạch sẽ được chảy qua van tĩnh mạch, sau đó van sẽ tự động đóng lại để máu di chuyển ngược về tim tốt hơn. Người mắc suy giãn tĩnh mạch, van tĩnh mạch có thể hoạt động kém, dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng trong thành mạch, lâu ngày sẽ làm giãn tĩnh mạch. Đặc biệt, máu huyết lưu thông chậm chạp sẽ khiến biến dạng các mô tổ chức, làm đôi chân sưng, đau mỏi, tê bì, chuột rút.
Vớ y khoa là sản phẩm được thiết kế chuyên biệt giúp giảm nhanh các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch. Nhờ cấu tạo vải đặc biệt tạo ra áp lực lớn cho mạch máu, đẩy máu từ chân đến tim tốt hơn, từ đó giúp cải thiện và điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Tác hại của việc mang vớ y khoa: Dùng không đúng cách hậu quả tai hại
1. Chọn không đúng loại vớ y khoa gây hậu quả
Tác hại của việc chọn không đúng loại vớ y khoa không những gây tốn kém tiền bạc mà có thể làm gia tăng các triệu chứng đau, sưng, mỏi chân do suy giãn tĩnh mạch.
Thông thường, vớ y khoa có 2 loại là:
- Vớ phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch: Đây là loại vớ y khoa chuyên biệt thường có mức áp lực nhỏ hơn, phù hợp cho những người có nguy cơ cao bị suy giãn tĩnh mạch như: phụ nữ mang thai, người làm công việc phải đứng hoặc ngồi lâu 1 chỗ, người ít vận động.
- Vớ điều trị suy giãn tĩnh mạch: Đây là loại vớ có áp lực cao hơn, thường dao động trong khoảng 10mmHg – 50mmHg để thúc đẩy máu huyết lưu thông, cải thiện các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch.
Do vậy, người mắc suy giãn tĩnh mạch cần phải căn cứ vào mức độ bệnh lý để lựa chọn loại tất có áp lực phù hợp mới đem lại hiệu quả.
Lời khuyên cho bạn khi chọn vớ y khoa:
- Nếu bị nhẹ hoặc muốn phòng suy giãn tĩnh mạch có thể chọn vớ áp lực thấp (kí hiệu CCL1).
- Nếu mắc suy giãn tĩnh mạch nặng cần phải điều trị cần phải chọn vớ có áp lực cao hơn (kí hiệu CCL2, CCL3).
- Trước khi mua vớ y khoa cần phải đi thăm khám để được bác sĩ tư vấn loại tất phù hợp nhất.
- Khi chọn mua vớ y khoa cũng cần thực hiện đo kích thước vòng chân, cổ chân, bắp chân, bắp đùi để lựa chọn vớ đúng size.
- Sau 3 – 6 tháng nên đo lại vòng chân để đổi size vớ thích hợp.
Cách đo để chọn size vớ y khoa phù hợp
2. Một số đối tượng không nên dùng vớ y khoa
Mặc dù vớ y khoa được thiết kế cho người muốn phòng tránh và điều trị bệnh lý suy giãn tĩnh mạch nhưng không phải bất kì ai cũng có thể sử dụng vớ y khoa như:
- Không dùng vớ y khoa cho người bị suy giãn tĩnh mạch cấp độ nặng, có dấu hiệu lở loét, hoại tử làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, cắt cụt chi.
- Dùng vớ y khoa cho người mắc huyết khối tĩnh mạch cần phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh đẩy cục máu đông trong lòng tĩnh mạch đến gần tim và phổi, tăng biến chứng đột tử bất ngờ.
- Dùng vớ y khoa phải đúng với tình trạng bệnh và đúng kích cỡ chân mới đem lại hiệu quả.
Tác hại của việc mang vớ y khoa cho những trường hợp chống chỉ định dùng vớ rất tai hại. Do vậy, người bệnh nên thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán bệnh để bác sĩ tư vấn loại vớ tốt nhất.
Có nhiều loại vớ y khoa thích hợp với nhiều đối tượng
3. Vớ y khoa gây cảm giác bí bách, khó chịu
Thêm một tác hại của việc mang vớ y khoa, nhất là cho người mới sử dụng vớ là cảm giác khó chịu, bí bách. Vớ y khoa được thiết kế bằng chất liệu vải có tính chất đàn hồi cao, hoạt động dựa trên tác động vật lý, làm chèn ép các mô tế bào và thành mạch để đẩy máu huyết lưu thông. Do vậy, khi mới sử dụng vớ, người bệnh có thể cảm thấy rất khó chịu do cảm giác tất bó chặt vào chân.
Lời khuyên của bác sĩ giúp bạn giảm bớt khó chịu khi đeo vớ:
- Chọn đúng size vớ, không chọn size có kích cỡ quá chật. Nên chọn loại vớ có chất liệu vải mềm mại, sợi đàn hồi cao, thoáng khí.
- Đeo vớ đúng cách, đặt chân vào gót vớ cho cân rồi kéo đều 2 đầu vớ, tránh tạo thành các nếp gấp.
- Khi mới sử dụng vớ giãn tĩnh mạch không nên đeo liền cả ngày, chỉ nên dùng khoảng 2-3 tiếng, sau đó nghỉ 1 tiếng rồi đeo lại, sau đó tăng dần thời gian. Nên đeo vớ khi vận động, không nên đeo lúc nghỉ ngơi hoặc khi đi ngủ.
- Kiểm tra vớ thường xuyên, nếu thấy quá chật, gây ra mụn nước, gây kẹp da… cần phải báo với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kịp thời, tránh để biến chứng ngắt dòng máu hoặc tăng huyết khối trong lòng mạch.
Trên đây là 3 tác hại của việc mang vớ y khoa không đúng cách. Mong rằng bài viết đã giúp bạn có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn và sử dụng vớ y khoa giúp giảm nhanh triệu chứng suy giãn tĩnh mạch.