Tập thể dục cho người suy giãn tĩnh mạch: Mẹo hay cần biết
Suy giãn tĩnh mạch chân đang có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam, chiếm khoảng 25 – 30%. Ngoài việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa thì người bệnh cũng cần phải duy trì các bài tập thể dục kích thích lưu thông máu. Dưới đây là những bí quyết tập thể dục đúng cách mà người mắc suy giãn tĩnh mạch nên biết.
Vì sao tập thể dục tốt cho người mắc suy giãn tĩnh mạch?
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới khiến người bệnh khó chịu bởi cảm giác đau nhức, nặng mỏi, sưng chân, cảm giác nóng rát, chuột rút nhiều về đêm…. Người bệnh cũng cảm thấy mặc cảm, tự ti bởi giãn tĩnh mạch nổi to, ngoằn ngoèo gây mất thẩm mỹ.
Giãn tĩnh mạch chân xảy ra khi chức năng đưa máu về tim của hệ thống tĩnh mạch chân suy giảm. Hiện tượng ứ máu diễn ra nhiều ngày gây biến đổi huyết động, biến dạng mô tế bào xung quanh, dẫn đến nặng chân, mỏi chân, bắp chân sưng nhức, đau, phù nề, chuột rút về đêm.
Một trong những biện pháp đơn giản nhất giúp giảm triệu chứng của giãn tĩnh mạch chân là tập thể dục. Tập thể dục mang lại tác dụng hỗ trợ đưa máu trở về tim nhanh chóng, giúp giảm ứ máu ở tĩnh mạch chân, từ đó giảm bớt cường độ cơn đau nhức, nặng chân, chuột rút ở tĩnh mạch, phù chân.
Tập thể dục giúp cải thiện lưu thông máu, giảm đau và sưng tĩnh mạch
Tập thể dục là phương pháp hỗ trợ điều trị suy giãn tĩnh mạch chân hiệu quả. Tập thể dục kết hợp với sử dụng vớ y khoa và ăn uống khoa học giúp cải thiện sớm các triệu chứng bệnh.
Người mắc suy giãn tĩnh mạch nên tập thể dục như thế nào?
Theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, tập thể dục là phương pháp tốt giúp máu huyết lưu thông, hạn chế đau nhức, đồng thời hỗ trợ giúp người bệnh khỏe mạnh, sảng khoái. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý, khi tĩnh mạch chân bị giãn sẽ rất dễ bị thương tổn khi vận động mạnh. Những môn thể thao cần tránh để không làm tăng thương tổn thành mạch như: Đá bóng, tập Gym, bóng chuyền….
Suy giãn tĩnh mạch chân có nên đi bộ không? Đi bộ được xem là hình thức luyện tập rất tốt cho người mắc giãn tĩnh mạch chân. Đi bộ hàng ngày giúp tăng cường vận động các khớp, hỗ trợ xương chân khỏe mạnh.
Đi bộ hàng ngày còn giúp tăng cường hỗ trợ hệ hô hấp, góp phần luyện tập cho tim, giúp giảm nguy cơ bị béo phì và cải thiện các vấn đề về tim mạch. Bác sĩ chuyên khoa cũng khuyên rằng người bệnh nên đi bộ bằng giày thể thao hoặc chân trần kết hợp dùng vớ y khoa để tạo áp lực cho thành mạch, tăng cường bơm máu, giảm cường độ đau nhức, nặng chân.
Người bệnh nên đi bộ nhẹ nhàng, mỗi ngày khoảng 30 phút đều đặn để đạt hiệu quả tốt hơn.
Gợi ý 3 bài tập thể dục cho người suy giãn tĩnh mạch chân
1. Bài tập Buerger Allen
Mô phỏng bài tập Buerger Allen
Buerger Allen giúp cải thiện lưu lượng máu nhanh chóng, hạn chế nguy cơ mắc giãn tĩnh mạch chân. Bài tập Buerger Allen được thực hiện như sau:
- Trong tư thế nằm trên giường, người bệnh giơ 2 chân lên cao.
- Giữ nguyên vị trí cho đến khi bàn chân dần chuyển sang màu trắng nhợt.
- Tiếp tục ngồi dậy, thả lòng 2 chân, buông thõng chân xuống mép giường đến khi bàn chân hồng hào trở lại.
- Cuối cùng nằm xuống, duỗi thẳng chân
Người bệnh nên áp dụng mỗi ngày 10 – 12 lần để có kết quả tốt nhất.
2. Bài tập nhón gót chân
Tập nhón gót chân có thể thực hiện được ở nhà, ở văn phòng
Tập nhón gót chân giúp tăng cường độ đàn hồi cho thành mạch, giúp giảm giãn tĩnh mạch chân, bớt tê bì, đau mỏi chân. Bài tập này có thể tập luyện ở nơi làm việc hoặc ở nhà. Người bệnh nên duy trì tập luyện hàng ngày để bệnh khỏi nhanh.
Bài tập rất đơn giản, bạn chỉ cần đứng trong tư thế bình thường, nhón gót chân lên cao, dồn trọng tâm vào các ngón chân khi đứng, giữ nguyên trong khoảng 15s – 20s rồi hạ gót chân xuống. Thực hiện liên tục mỗi ngày khoảng 10 – 20 phút, chỉ sau khoảng vài tuần là bạn đã có thể thấy giảm bớt các triệu chứng khó chịu.
3. Bài tập nâng chân ra phía sau
Bài tập nâng chân ra phía sau
Bài tập nâng chân ra phía sau giúp phần cơ, hông, đùi, mông được vận động. Người bệnh có thể áp dụng các bước luyện tập như sau:
- Người bệnh trong tư thế nằm sấp, áp bụng xuống mặt sàn.
- Nâng cao chân lên 1 góc 30 độ, 2 chân cùng chụm lại.
- Duỗi thẳng chân, tránh gập cong đầu gối.
- Giữ nguyên tư thế như vậy trong khoảng 30s, sau đó trở về nguyên tư thế ban đầu.
Người bệnh nên thực hiện bài tập chậm rãi, nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương cơ bắp. Lưu ý không áp dụng bài tập cho phụ nữ mang thai.
Trên đây là những bí quyết tập thể dục cho người mắc suy giãn tĩnh mạch. Tập thể dục đúng cách, kiên trì là phương pháp tốt để điều trị và phòng ngừa giãn tĩnh mạch chân.