Tất điều trị giãn tĩnh mạch và những điều bắt buộc phải nhớ khi sử dụng
Tất điều trị giãn tĩnh mạch được rất nhiều người sử dụng giúp giảm bớt các triệu chứng đau nhức, tê chân, nổi tĩnh mạch. Dùng tất điều trị giãn tĩnh mạch cần phải lưu ý gì? Dưới đây là những lời khuyên bổ ích dành cho bạn.
Tất điều trị giãn tĩnh mạch là gì?
Tất điều trị giãn tĩnh mạch chân còn được gọi là vớ giãn tĩnh mạch, vớ y khoa trị suy giãn tĩnh mạch. Tất vớ này được tạo nên từ loại vải được đan dệt bằng kĩ thuật đặc biệt giúp tạo áp lực đến chi dưới để tăng tuần hoàn máu. Cấu tạo của tất thường chặt hơn ở cổ chân, sau đó lỏng dần khi lên cao, ôm chặt lấy chân để thúc đẩy máu di chuyển theo tĩnh mạch đi lên cao.
Hiện nay có 2 loại là loại tất điều trị giãn tĩnh mạch và tất phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch. 2 loại tất này thường có áp lực khác nhau.
Tất điều trị giãn tĩnh mạch thích hợp cho những người đang mắc suy giãn tĩnh mạch giai đoạn nhẹ, gặp phải các triệu chứng đau nhức chân, phù chân, tê mỏi chân. Nhờ vậy giúp ngăn chặn ứ máu trong lòng mạch, thúc đẩy lưu thông máu quay trở về tim, từ đó hỗ trợ điều trị bệnh giãn tĩnh mạch.
Nên sử dụng tất điều trị giãn tĩnh mạch như thế nào?
Tất điều trị giãn tĩnh mạch không nên mang cả ngày, chỉ nên dùng khi vận động, làm việc, không nên dùng khi nghỉ ngơi. Người bệnh nên bỏ tất ra vào ban đêm.
Khi mới dùng tất y khoa có thể mang khoảng vài tiếng, sau đó bỏ ra 1-2 tiếng rồi tiếp tục đeo lại cho đến khi bớt khó chịu.
Người bệnh có thể tùy chọn loại vớ dài từ ngón chân đến đùi, hoặc đến đầu gối. Cường độ tất thấp (từ 10 – 20mmHg) thường dùng để điều trị giãn tĩnh mạch mạng nhện, phù tĩnh mạch hoặc đề phòng huyết khối tĩnh mạch sâu cho nữ giới có nguy cơ thấp.
Cường độ tất giãn tĩnh mạch áp lực cao từ 20-50 mmHg trở lên dùng cho người mắc nguy cơ cao, bị giãn tĩnh mạch mạn tính hoặc có huyết khối tĩnh mạch sâu.
Áp lực của tất điều trị suy giãn tĩnh mạch
Lưu ý khi sử dụng tất điều trị giãn tĩnh mạch
Người bệnh cần chú ý:
- Khi dùng cần thường xuyên kiểm tra xem tất giãn tĩnh mạch có bó sát vào chân không, có gây đau không, có kẹp vào da hay không. Nếu phát hiện thấy bất thường cần phải dừng sử dụng tất ngay.
- Đeo tất cần phải theo dõi dòng máu chảy ở chân và bàn chân. Nếu nhận thấy các biểu hiện lạnh chân, nứt chân, tím chân, tê như có kiến cắn cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Khi có dấu hiệu này cần phải thay đổi tất có cường độ và kích thước để đảm bảo lưu thông máu tốt hơn.
- Dùng tất điều trị giãn tĩnh mạch từ 3 – 6 tháng cần phải thay vớ khác phù hợp với tình trạng bệnh.
Tất điều trị giãn tĩnh mạch có thuốc bên trong không?
Tất điều trị giãn tĩnh mạch hoàn toàn không kèm theo thuốc bên trong. Sản phẩm được thiết kế chuyên biệt nhằm tạo nên áp lực đẩy máu từ chân đến tim, giảm phù và giảm đau ở tĩnh mạch bị giãn.
Có phải chỉ nên mang tất điều trị giãn tĩnh mạch khi bệnh nặng?
Thực tế suy giãn tĩnh mạch thường tiến triển âm thầm qua nhiều năm mới biến chứng nặng như lở loét, có cục máu đông trong lòng mạch.
Các biểu hiện đau mỏi chân, tê chân, phù chân là những dấu hiệu giai đoạn sớm của suy giãn tĩnh mạch. Đây là lúc nên sử dụng tất điều trị giãn tĩnh mạch để ngăn chặn bệnh tiến triển và giảm bớt các triệu chứng khó chịu. Khi kết hợp với thuốc điều trị suy giãn tĩnh mạch sẽ giúp bệnh nhanh khỏi.
Nên mang tất điều trị giãn tĩnh mạch vào thời điểm nào?
Bác sĩ chuyên khoa khuyên người bệnh nên mang tất vào ban ngày, khi đi làm, tập thể dục, lái xe…. Ngay khi thức dậy nên đeo tất ngay. Không dùng tất khi nghỉ ngơi hoặc khi ngủ.
Đeo vớ khi vận động, không đeo khi nghỉ ngơi
Nên sử dụng tất điều trị giãn tĩnh mạch cường độ bao nhiêu?
Cường độ của tất y khoa được đo bằng mmHg. Tùy thuộc vào mức độ bệnh lý mà bác sĩ có thể tư vấn bạn sử dụng loại tất y khoa phù hợp. Với trường hợp mắc bệnh nhẹ, có thể sử dụng loại tất áp lực thấp. Bệnh càng nặng thì càng cần chú ý sử dụng áp lực cao hơn (CCL1, CCL2, CCL3).
Bài viết giải đáp toàn bộ thắc mắc về tất điều trị giãn tĩnh mạch cho bạn tham khảo. Để chọn được loại tất tốt, phù hợp với thể trạng bệnh lý, bạn nên đi thăm khám để được bác sĩ tư vấn.