Top 6 bài tập thể dục chữa suy giãn tĩnh mạch kích thích lưu thông máu
Tĩnh mạch chân đảm nhiệm vai trò đưa máu về tim với cấu tạo van một chiều ngăn không có máu ngược dòng trở lại. Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng máu ứ trong tĩnh mạch chân lâu ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Dưới đây là 6 bài tập thể dục chữa suy giãn tĩnh mạch giúp tăng cường lưu thông máu, giảm bớt các triệu chứng phù nề, đau nhức, tê mỏi.
6 bài tập thể dục chữa suy giãn tĩnh mạch đơn giản nhất
Suy giãn tĩnh mạch khiến tĩnh mạch nổi lên dưới da, có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường kèm theo các dấu hiệu đau mỏi bắp chân, tê chân như kiến cắn, chuột rút chân, phù chân, biến dạng màu sắc da chân…. Bệnh hình thành do máu ứ trong thành mạch lâu ngày không được điều trị đúng cách.
Dưới đây là một số bài tập thể dục chữa suy giãn tĩnh mạch chân được nhiều người áp dụng nhất:
1. Bài tập gấp và duỗi khớp cổ chân
Một số tư thế gấp và duỗi cổ chân
Trong tư thế nằm ngửa, người bệnh duỗi thẳng hai chân, sau đó nâng chân trái lên khỏi mặt giường khoảng 30 – 50 độ, rồi tiếp tục duỗi gập khớp cổ chân liên tục khoảng 10 – 15 lần. Sau đó tiếp tục đổi chân. Mỗi ngày tập khoảng 20 – 30 phút để máu huyết lưu thông.
2. Bài tập xoay khớp cổ chân
Tiếp tục trong tư thế nằm ngửa, người bệnh duỗi thẳng hai chân, sau đó nâng chân trái lên 1 góc 50 độ rồi xoay khớp cổ chân, từ phải qua trái khoảng 20 lần. Tiếp tục hạ chân trái rồi đổi sang chân phải, nâng lên và xoay khớp cổ chân. Áp dụng mỗi ngày tập 20 phút.
3. Bài tập bắt chéo chân
Trong tư thế nằm ngửa, duỗi thẳng hai chân, người bệnh nâng chân lên rồi bắt chéo chân từ trái qua phải, sau đó đổi chân từ phải qua trái. Mỗi ngày tập 5 – 10 lần để máu huyết ở chân bớt ứ đọng.
4. Bài tập đạp xe trên không
Tư thế đạp xe trên không
Đây là bài tập thể dục chữa suy giãn tĩnh mạch chân rất dễ thực hiện. Người bệnh trong tư thế nằm ngửa, chân duỗi thẳng rồi tập nâng hai chân lên, kết hợp gập khớp háng và khớp gối tương tự như đạp xe khoảng 20 – 30 vòng. Làm liên tục mỗi ngày 15 phút giúp tuần hoàn máu đến các cơ quan.
5. Bài tập nâng cao cẳng chân
Người tập trong tư thế ngồi trên ghế cao, hai chân đặt dưới sàn nhà sao cho khớp gối, khớp cổ chân, khớp háng vuông góc, lưng thẳng để cơ thể dồn trọng lượng xuống mông và chân.
Sau đó, người bệnh nâng bàn chân lên khỏi sàn nhà, để chân phải duỗi thẳng, rồi tiếp tục đưa chân phải về vị trí ban đầu, đổi sang chân trái. Mỗi chân tập khoảng 15 – 20 lần. Mỗi ngày tập 15 – 20 phút.
6. Bài tập nhón gót chân
Tư thế tập nhón gót chân
Trong tư thế ngồi trên ghế cao, bạn thực hiện hành động nâng chân lên đến khi khớp cổ chân duỗi thẳng ra, đầu ngón chân đặt sát sàn nhà, rồi tiếp tục trở lại vị trí ban đầu. Bạn có thể tập luân phiên chân phải, chân trái hoặc kết hợp liền 1 lúc 2 chân đều được. Tập mỗi ngày khoảng 30 phút để đem lại hiệu quả.
Một số cách đơn giản phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch chân
Ngoài tập thể dục đúng cách, người bệnh có thể kết hợp ăn uống, sinh hoạt đúng cách để hỗ trợ tuần hoàn máu như:
1. Chế độ ăn uống
Người mắc suy giãn tĩnh mạch chân cần chú ý tăng cường khoáng chất, vitamin, thực phẩm nhiều chất xơ như ngũ cốc, hoa quả, rau xanh… rất tốt cho hoạt động của mạch máu.
Người bệnh nên chú ý uống đủ nước mỗi ngày, giảm các loại thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ.
Người thừa cân cần giảm trọng lượng vừa phải để máu huyết lưu thông tốt nhất.
2. Chế độ sinh hoạt lành mạnh
- Tư thế nằm, ngồi: Khi nằm bạn nên kê cao chân khoảng 15 – 20cm giúp máu đi về tim qua đường tĩnh mạch. Khi ngồi không nên bắt chéo chân hay ngồi xổm, nên ngồi tư thế hai chân vuông góc với sàn nhà để không cản trở lưu thông máu.
- Cách mặc quần áo: Không nên mặc quần áo chật chội, khó chịu, nên mặc đồ rộng rãi, thoáng mát.
- Giày dép: Không nên đi giày thể thao, nên chọn loại giày có đế mềm, vừa vặn với chân để giảm áp lực đến với mạch máu.
- Bệnh nhân cần năng vận động vừa phải, không nên mang vác các vật nặng làm quá tải đến tĩnh mạch. Ngoài các bài tập thể dục chữa suy giãn tĩnh mạch trên, bạn có thể tập thói quen đi bộ, bơi lội, khiêu vũ, đạp xe… để máu đẩy về tim tốt hơn. Người bệnh không nên chơi các bộ môn thể thao phải cử động mạnh như cử tạ, nhảy cao, đá bóng, chơi tennis….
- Không thoa dầu nóng vào chân hoặc ngâm chân nước nóng làm tĩnh mạch giãn nở nhiều hơn, giảm khả năng chuyển máu về tim.
Bài viết hướng dẫn 6 bài tập thể dục chữa suy giãn tĩnh mạch cùng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để giảm bớt các triệu chứng của bệnh. Chúc bạn sớm có đôi chân khỏe.