Bệnh viêm mao mạch ở da dùng thuốc bôi có khỏi không?
Bệnh viêm mao mạch ở da là thuật ngữ để chỉ căn bệnh dẫn đến viêm các mạch máu nhỏ dưới da. Căn bệnh này làm cho mạch máu bị thương tổn, khiến cho xuất huyết hình thành. Bệnh viêm mao mạch ở da có điều trị bằng thuốc bôi được không? Dưới đây là phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh viêm mao mạch ở da hiệu quả nhất.
Cơ chế gây bệnh viêm mao mạch ở da là gì?
Bệnh viêm mao mạch ngoài da là bệnh lý liên quan đến hệ thống mao mạch nằm dưới da, không phải ở các cơ quan nội tạng. Căn bệnh này có thể hình thành do hệ miễn dịch bị kích hoạt bởi nhiễm trùng virus, vi khuẩn, chất độc, thuốc….
Bệnh viêm mao mạch ngoài da được phân loại theo tài liệu ACR 1990 gồm có:
- Viêm động mạch tế bào khổng lồ
- Viêm động mạch Takayasu
- U hạt Wegener
- Hội chứng Churg-Strauss
- Viêm động mạch nút
- Viêm mao mạch xuất huyết
- Viêm mạch quá mẫn.
Bệnh viêm mao mạch ở da thường ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu nhỏ và trung bình, dẫn đến phản ứng là các nốt xuất huyết dưới da. Căn bệnh này còn có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu nằm sâu dưới da như tĩnh mạch, động mạch gây nên các triệu chứng viêm mạch hệ thống.
Hình ảnh xuất huyết do viêm mao mạch dị ứng
Triệu chứng chẩn đoán bệnh viêm mao mạch ở da là gì?
Muốn chẩn đoán chính xác bệnh viêm mao mạch ở da, người bệnh sẽ được thăm khám qua các bước sau:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ cần biết rõ tiền sử sử dụng thuốc, dị ứng, nhiễm trùng của bệnh nhân để phân biệt với các bệnh lý khác như: bệnh phổi (với các triệu chứng ho ra máu, khó thở), bệnh thận (phù nề, tăng huyết áp), bệnh thần kinh (dị cảm, tê chân, tay…), bệnh tiêu hóa (triệu chứng ỉa chảy, đau bụng, đi ngoài ra máu)….
- Thực hiện xét nghiệm nước tiểu: Xem xét lượng nước tiểu có chứa protein, hồng cầu, trụ hồng cầu nhằm xác định tổn thương thận.
- Chụp X – quang ngực: Xác định mức độ tổn thương phổi (thường là xuất huyết phế nang).
- Làm xét nghiệm công thức máu: Kiểm tra tình trạng máu, số lượng tiểu cầu, phản ứng viêm trong máu.
- Thực hiện sinh thiết da: Thời điểm được chỉ định tốt nhất là từ 24h – 48h sau khi phát hiện các tổn thương mạch. Bác sĩ chuyên khoa cho rằng có thể lấy sinh thiết ở các mạch máu vừa và nhỏ để chẩn đoán được chính xác hơn.
Các bệnh lý mạch máu hiếm gặp, việc điều trị không đúng thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, nên cần sinh thiết mô để khẳng định chẩn đoán trước tiên. Khám lâm sàng lựa chọn ra vị trí sinh thiết tốt nhất. Sinh thiết cho kết quả dương tính cao nhất nếu được lấy từ nhu mô phổi, da và thận bị tổn thương.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh viêm mạch ngoài da nếu phát hiện các yếu tố tổn thương như:
- Thành mạch máu có biểu hiện bị xâm nhập.
- Phát hiện tế bào viêm gây phá hủy thành mạch máu.
- Có biểu hiện lắng đọng Fibrin trong thành mạch và nội mạch (còn được gọi là hoại tử dạng Fibrin).
- Hồng cầu thoát quản.
- Có mảnh vỡ hạt nhân (còn gọi là hủy bạch cầu).
Để phát hiện chính xác tình trạng lắng đọng IgG, IgA, IgM ở trong thành mạch có thể sử dụng phương pháp nhuộm miễn dịch huỳnh quang trực tiếp. Phương pháp này còn giúp phát hiện lắng đọng qua các lớp phức hợp miễn dịch, bệnh lý u ác tính, rối loạn tăng sinh dòng Lympho. Đặc biệt, lắng đọng kháng thể IgA thường có các biểu hiện biến chứng về thận, hệ tiêu hóa và khớp nhưng lắng đọng IgM và IgG thì không có các dấu hiệu trên. Xét nghiệm nhuộm miễn dịch huỳnh quang có thể dương tính với các kháng thể IgG trong cryoglobulin huyết, kháng thể IgM hoặc kháng thể IgA.
Ngoài ra, để xác định thêm nguyên nhân dẫn đến viêm mạch máu cần làm các xét nghiệm như: ANCA (kháng thể kháng bào tương của bạch cầu trung tính), cryoglobulins, kháng thể viêm gan C, viêm gan B, bổ thể C4, C3, cấy máu, điện di protein niệu hoặc protein huyết thanh….
Bệnh viêm mao mạch ngoài da có nên sử dụng thuốc bôi không?
Điều trị viêm mạch ngoài da cần dựa trên nguyên nhân. Nếu không xác định chính xác được nguyên nhân gây thương tổn mạch máu thì cần điều trị tránh biến chứng nguy hiểm.
Một số trường hợp có thể được kê histamin, hoặc các loại thuốc khác như: hydroxychloroquine, colchicine, dapsone, corticosteroid tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân.
Với trường hợp nặng có thể được tư vấn điều trị thuốc ức chế miễn dịch loại mạnh hoặc corticosteroid kéo dài để ngăn chặn biến chứng nguy hiểm. Bệnh không thể sử dụng thuốc bôi ngoài da do thường không đem lại hiệu quả điều trị.
Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm mạch ngoài da cho bạn tham khảo. Nếu bạn có biểu hiện bất thường tốt nhất nên đi thăm khám sớm để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn thêm.