Viêm mao mạch dị ứng nhẹ, không đau có phải điều trị không?
Viêm mao mạch dị ứng là bệnh lý gây tổn thương hệ thống mao mạch vừa và nhỏ. Nhiều bệnh nhân mắc viêm mao mạch dị ứng nhẹ với biểu hiện xuất huyết dưới da, không đau, không ngứa có phải điều trị không? Nội dung bài viết là tư vấn của bác sĩ chuyên khoa về vấn đề này.
Viêm mao mạch dị ứng nhẹ có nguy hiểm không?
Bệnh viêm mao mạch dị ứng hiện chưa được làm rõ nguyên nhân. Một số ý kiến cho rằng bệnh có thể bị kích hoạt bởi các loại thuốc như: sulfa, penicillin, thuốc huyết áp, Dilantin (thuốc chống động kinh), Phenytoin, Allopurinol (thuốc trị bệnh Gout)….
Ngoài ra, khi cơ thể nhiễm vi khuẩn hoặc virus như: virus viêm gan C, viêm gan B, HIV… cũng khiến hệ miễn dịch phản ứng thái quá dẫn đến bệnh. Những bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, hội chứng Sjogren, bệnh viêm ruột … cũng dễ bị viêm mao mạch dị ứng.
Cơ chế gây viêm mao mạch dị ứng là do phản ứng của hệ miễn dịch khi gặp các tác động từ bên ngoài (như virus, vi khuẩn, thức ăn lạ, thay đổi thời tiết, thuốc hoặc vắc – xin…) dẫn đến lắng đọng IgA trong thành mạch máu, gây thương tổn mao mạch dưới da, hệ tiêu hóa, khớp và thận.
Viêm mao mạch dị ứng nhẹ thường là giai đoạn đầu của bệnh. Người bệnh có thể bị xuất huyết dưới da, nổi thành các vết phát ban màu hồng, đỏ, không đau, không ngứa. Nếu không được điều trị sớm ở giai đoạn này, bệnh có thể tiến triển gây mất thẩm mỹ, tổn thương khớp, hệ tiêu hóa và ảnh hưởng đến chức năng thận. Do vậy, bác sĩ chuyên khoa khuyên bệnh nhân mắc viêm mao mạch dị ứng nhẹ không nên chủ quan mà cần đi thăm khám sớm để được tư vấn điều trị dứt điểm bệnh.
Hình ảnh viêm mao mạch dị ứng nhẹ gây xuất huyết dưới da
Triệu chứng nhận biết viêm mao mạch dị ứng nhẹ
Viêm mao mạch dị ứng nhẹ có thể khởi phát các vết phát ban sau đợt nhiễm khuẩn đường hô hấp. Đặc điểm của các vết phát ban là xuất huyết có màu đỏ hoặc tím mọc nhiều ở chân, tay, ít khi ở thân mình. Vết phát ban không lây lan, không gây ngứa và đau nhưng gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng.
Viêm mao mạch dị ứng nhẹ có thể tiến triển thành các ban xuất huyết dạng mề đay, mụn nước, thậm chí hoại tử. Ngoài ra, ở giai đoạn nặng, bệnh còn dẫn đến các triệu chứng khác như:
- Viêm và đau khớp: Thường gây đau, sưng khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay. Viêm khớp có dạng đối xứng, kéo dài trong khoảng vài ngày, không gây biến dạng khớp nhưng dễ tái phát.
- Xuất huyết tiêu hóa: Người bệnh có biểu hiện đau bụng quanh rốn, đau vùng thượng vị, đi ngoài lẫn máu hoặc đi ngoài phân đen. Bệnh nặng còn gây lồng ruột cấp (hiếm gặp).
- Thương tổn thận: Triệu chứng thường gặp là đi tiểu ra máu, viêm cầu thận, suy thận.
- Một số dấu hiệu không phổ biến khác như: sốt nhẹ, viêm tinh hoàn, viêm cơ tim….
Bác sĩ chuyên khoa khuyên người bệnh nên điều trị sớm ở giai đoạn viêm mao mạch dị ứng nhẹ, tránh để lâu dài ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng.
Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm mao mạch dị ứng nhẹ
1. Chẩn đoán viêm mao mạch dị ứng nhẹ
Viêm mao mạch dị ứng nhẹ có thể được chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu lâm sàng như sau:
- Có phát ban xuất huyết dưới da mọc nhiều ở chân, tay.
- Đối tượng mắc bệnh nhỏ tuổi (thường dưới 16 tuổi).
- Có kèm theo biểu hiện đau bụng, buồn nôn hoặc đau khớp.
Để chẩn đoán chính xác hơn bác sĩ có thể yêu cầu:
- Khai thác thông tin sử dụng thuốc của bệnh nhân trước khi có dấu hiệu xuất huyết.
- Khai thác tiền sử bệnh lý hoặc lịch sử tiêm vắc – xin, chế độ ăn uống trước đó.
- Tiến hành sinh thiết da có biểu hiện thấy tăng bạch cầu bao quanh mạch máu, có biểu hiện viêm mạch máu.
- Muốn phân biệt viêm mao mạch dị ứng nhẹ với các bệnh lý khác cần tiến hành thăm khám các cơ quan như: hệ tiêu hóa, thận, khớp….
- Chỉ định xét nghiệm máu (xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm chức năng Gan, Thận, tốc độ lắng máu…).
Viêm mao mạch dị ứng nhẹ cũng cần phân biệt với các bệnh lý khác như: lupus ban đỏ, viêm não mô cầu, sốt xuất huyết….
Hình ảnh lupus ban đỏ gây phát ban dạng bướm cần phân biệt với viêm mao mạch dị ứng
2. Điều trị viêm mao mạch dị ứng nhẹ
- Điều trị viêm mao mạch dị ứng nhẹ theo Tây y:
Mục tiêu điều trị của Tây y chủ yếu giúp giảm triệu chứng của bệnh do chưa có thuốc đặc hiệu.
Người mắc viêm mao mạch dị ứng nhẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, có thể phải dừng một số loại thuốc đang sử dụng. Nếu do phản ứng của thuốc, các triệu chứng xuất huyết có thể sẽ biến mất sau khoảng vài tháng ngưng sử dụng.
Nếu viêm mao mạch dị ứng nhẹ tiến triển thành các triệu chứng đau khớp, tổn thương hệ tiêu hóa, thận cần điều trị bảo tồn:
+ Bị đau khớp: Dùng các loại thuốc chống viêm không Steroid (như ibuprofen, naproxen) theo chỉ định của bác sĩ.
+ Dùng thuốc corticosteroid ức chế miễn dịch với các trường hợp bệnh tiến triển nặng. Tuy nhiên, loại thuốc này cần dùng đúng theo đơn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ ngoài ý muốn như: tăng cân, trầm cảm, mụn trứng cá….
Với trường hợp mắc viêm mao mạch dị ứng nặng nên tới bệnh viện để được thăm khám và theo dõi điều trị.
- Điều trị viêm mao mạch dị ứng nhẹ theo Đông y:
Viêm mao mạch dị ứng nhẹ điều trị bằng các bài thuốc của Y học cổ truyền được rất nhiều người tin tưởng lựa chọn. Ứng dụng các thảo dược Đông y giúp tăng cường sức đề kháng, hoạt huyết, củng cố chức năng Gan, Thận, Tỳ khỏe mạnh sẽ giúp loại bỏ xuất huyết, da dẻ hồng hào.
Điều trị viêm mao mạch dị ứng nhẹ bằng thảo dược Đông y được đánh giá cao nhờ hiệu quả lâu dài, không gây tác dụng phụ.
- Chế độ sinh hoạt cho người mắc viêm mao mạch dị ứng nhẹ:
Người mắc viêm mao mạch dị ứng nhẹ nên chú ý nghỉ ngơi nhiều, tránh vận động nặng. Ngoài ra, người bệnh cũng cần chú ý:
+ Ăn nhiều thực phẩm lỏng như cháo, súp.
+ Uống nhiều nước.
+ Bổ sung rau xanh, hoa quả, tránh các thực phẩm cay, nóng, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ.
+ Không uống rượu bia, nước ngọt có ga, đồ uống có cồn….
+ Vệ sinh các vết xuất huyết dưới da bằng nước sạch, không tự ý bôi các loại thuốc lên da….
Viêm mao mạch dị ứng nhẹ hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm. Người bệnh không chỉ tuân thủ nguyên tắc điều trị của bác sĩ chuyên khoa mà còn cần kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ để bệnh nhanh khỏi.