Viêm mao mạch máu phát hiện muộn gây biến chứng viêm thận
Viêm mao mạch máu còn được gọi là viêm mao mạch dị ứng, viêm mạch IgA. Đây là một dạng bệnh rối loạn tự miễn, khiến các mạch máu nhỏ dưới da, ruột, thận, khớp bị viêm và chảy máu. Bệnh phổ biến ở trẻ em trong độ tuổi từ 3 – 10 tuổi.
Vì sao viêm mao mạch máu có thể gây biến chứng viêm thận?
Viêm mao mạch máu còn có tên gọi là viêm mao mạch dị ứng, viêm mạch IgA hoặc ban xuất huyết Henoch - Schonlein. Bệnh lý này hình thành do phản ứng của hệ miễn dịch trước các kháng nguyên như dùng thuốc, sau khi tiêm vắc – xin, ăn uống thực phẩm lạ, thay đổi thời tiết…. dẫn đến lắng đọng IgA trong thành mạch, gây nên phản ứng viêm thành mạch dưới da, ruột, khớp và thận.
Viêm mao mạch máu thường gây nên các biểu hiện: xuất huyết dưới da màu đỏ hoặc tím thẫm dày đặc ở chân, tay, mông, đùi, ít khi ở thân mình. Bệnh còn gây nên hiện tượng xuất huyết tiêu hóa với các triệu chứng: đau bụng, buồn nôn, nôn nhiều, nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu….
Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm mao mạch máu là ảnh hưởng đến thận bởi lắng đọng IgA trong mao mạch thận với các biểu hiện: đi tiểu ra máu, xét nghiệm nước tiểu có protein niệu, thậm chí có thể gây viêm cầu thận, suy thận nếu không được điều trị đúng cách.
Viêm mao mạch máu gây xuất huyết nhẹ
Phương pháp điều trị viêm mao mạch máu
Nguyên tắc điều trị viêm mao mạch máu là cần chú trọng đảm bảo nước uống và các chất điện giải để giảm bớt áp lực đến thận. Trong quá trình dùng thuốc cần chú ý theo dõi để ngăn chặn các biểu hiện tổn thương thận.
Trường hợp phát hiện có các dấu hiệu như: chảy máu đường tiêu hóa, đau bụng dữ dội, suy thận cấp… cần phải nhập viện gấp để đề phòng biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Điều trị viêm mao mạch máu mắc viêm khớp, sốt, phù nề có thể được dùng acetaminophen để giảm đau. Ngoài ra cần phải duy trì chế độ ăn ít muối để giảm biến chứng về thận. Dùng thuốc bắt buộc phải theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý dùng bừa bãi rất nguy hiểm.
Một số loại thuốc hỗ trợ như:
- Thuốc giảm đau giúp kiểm soát các cơn đau. Một số loại thuốc giảm đau thường dùng như: Acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không Steroid (NSAID). Sử dụng khi có các triệu chứng đau, sưng khớp. Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân suy thận.
- Corticosteroid thường dùng trong trường hợp phù dưới da hoặc mắc viêm thận. Corticosteroid giúp ngăn chặn triệu chứng đau khớp.
- Một số loại thuốc khác: Có thể thay thế thuốc Steroid bằng các loại thuốc như: Azathioprine, Cyclophosphamide, Cyclosporine, Dipyridamole, Globulin miễn dịch, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc ức chế thụ thể angiotensin, Danazol, Dầu cá…..
- Thay huyết tương: Áp dụng cho trường hợp bị xuất huyết tiêu hóa hoặc bệnh thận.
- Can thiệp phẫu thuật: Đây là biện pháp điều trị xuất huyết tiêu hóa để ngăn chặn biến chứng thủng ruột, nhiễm trùng huyết, viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng.
- Ghép thận: Áp dụng cho bệnh nhân bị viêm thận giai đoạn cuối. Mặc dù vậy bác sĩ chuyên khoa cũng khuyến cáo vẫn có thể gây tổn thương thận do viêm mao mạch máu.
- Phương pháp phối hợp: Cần phối hợp điều trị chuyên môn với bác sĩ da liễu, khoa tiêu hóa, khoa Thận, Khoa Xương khớp, khoa Tim mạch… để có biện pháp phù hợp nhất.
Viêm mao mạch máu nổi phát ban nặng
Phương pháp điều trị dài hạn với bệnh nhân viêm mao mạch máu
Để ngăn chặn biến chứng về thận ở bệnh nhân mắc viêm mao mạch máu, bác sĩ điều trị cần chú ý theo dõi huyết áp và nước tiểu thường xuyên để đánh giá chức năng thận. Việc theo dõi cần duy trì ít nhất 6 tháng ngay cả khi đã ra viện.
Trường hợp tiến triển bệnh gây suy thận mạn giai đoạn cuối cần thực hiện chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Ngay cả khi ghép thận thành công cũng cần theo dõi và điều trị trong thời gian dài.
Với trẻ em bị biến chứng tổn thương thận cấp tính cần thực hiện xét nghiệm khoảng 3 – 6 tháng/ lần để giảm thiểu nguy cơ viêm cầu thận.
Viêm mao mạch máu là căn bệnh tự miễn có thể gây viêm cầu thận, suy thận nếu không được điều trị đúng cách. Do vậy, người bệnh nên đi thăm khám để được bác sĩ theo dõi và có biện pháp điều trị tốt nhất.